Các nhóm chất dinh dưỡng
– Nhóm thức ăn chứa hàm lượng tinh bột cao là thành phần chủ yếu trong khẩu phần ăn của gà. Tuy nhiên tỷ lệ tinh bột trong thức ăn cho gà phải được tính toán hợp lý.
– Đạm là chất cần thiết tham gia vào quá trình điều khiển trao đổi chất và sự sống của vật nuôi, đóng vai trò quan trọng trong sinh sản. Không nên sử dụng quá nhiều đạm động vật sẽ khiến gà cho sản phẩm thịt kém thơm ngon. Tỷ lệ đạm chiếm 15 – 35% trong khẩu phần ăn của gà, cung cấp đủ axit amin duy trì sự tăng trưởng, sinh sản và đẻ trứng.
– Chất khoáng có vai trò trong việc cấu tạo xương ở gà. Nhu cầu khoáng ở từng loại gia cầm là khác nhau tùy độ tuổi. Khi phối trộn thức ăn cho gà cần cân đối tỷ lệ các chất khoáng.
– Vitamin đóng một vai trò quan trọng là chất xúc tác trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, khoáng… Việc thừa, thiếu vitamin sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sinh sản ở gà.
Công thức phối trộn
– Giai đoạn 1: Gà 5 – 30 ngày tuổi: Thành phần thức ăn tự phối trộn gồm ngô 62% + cám gạo 25% + đạm (đậm đặc hoặc cá ủ men) 10% + Premix 3%.
– Cách dùng: Gà 5 – 7 ngày tuổi, dùng 10 – 20% thức ăn tự trộn và 80 – 90% thức ăn viên. Gà 7 – 10 ngày tuổi, dùng 25 – 30% thức ăn tự trộn và 70 – 75% thức ăn viên. Tăng dần thức ăn tự trộn, đến ngày 20 – 30 cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn tự trộn. Với gà ta và gà lai chọi có thể ngưng cám viên khi gà được 20 ngày; gà Tam Hoàng thì ngưng cám viên khi gà được 30 ngày.
– Giai đoạn 2: Gà 30 – 60 ngày tuổi: Thành phần thức ăn tự phối trộn gồm rau 20% + cám ngô 55% + cám gạo: 15% + đạm 10% + premix 3%. Nếu dùng cám đậm đặc thì ủ men ngô, cám gạo sau đó trộn vào 6 – 7 kg cám đậm đặc và bổ sung thêm premix 2 – 3%. Nếu dùng cá thì nấu lên, để nguội, trộn đều với cám gạo, cám ngô, độ ẩm vừa phải, trộn men vi sinh vào và đậy lại khoảng 2 – 3 h, sau đó ủ 2 – 3 ngày là dùng được.
– Giai đoạn 3: Gà từ ngày 60 đến xuất chuồng: Thành phần thức ăn tự phối trộn gồm chất xơ 25 – 30% + cám ngô 45 – 50% + cám gạo 15% + đạm 10%. Tất cả nguyên liệu trước khi phối trộn cần được xay nhuyễn và trộn đều với nhau tránh tình trạng trong thức ăn chỗ quá nhiều đạm chỗ lại thiếu vitamin… dẫn đến sự tăng trưởng không đồng đều của đàn gà. Với muối bột, cần phải rang lên rồi xay nhỏ (nên sử dụng muối iot). Các loại khô lạc, đậu nành nên được phơi khô tránh ẩm mốc nếu không gà ăn phải sẽ bị ngộ độc, hủy hoại gan, chậm lớn và giảm năng suất nuôi…
– Chỉ nên ủ các thức ăn tinh bột như ngô, sắn, cám gạo… không nên ủ thức ăn tổng hợp như cám công nghiệp hay cám viên đã phối trộn và ép ra. Có thể trộn cám công nghiệp hoặc cám viên tự ép với thức ăn tinh bột đã ủ lên men cho gà ăn. Đừng quên bổ sung Vime ADE và Vitamin B – Complex, khoáng chất premix cho gà.
Lưu ý
– Muốn gà béo: Bổ sung thêm cám ngô.
– Khi gà mổ lông hoặc lông mọc không đều cần bổ sung premix hoặc ốc.
– Mùa đông, nên bổ sung tỏi, gừng, quế chi… để tăng sức đề kháng (500 g cho 100 kg thức ăn).
– Phân gà hình xoắn ốc là đường ruột đang tốt; phân trắng là đang bệnh đường ruột, cần điều trị.
– Nên cho gà ăn ngày 3 lần, không để máng ăn dư thức ăn đến hôm sau.
– Có thể ngâm thóc mầm và ủ lên mầm cho gà ăn, giúp tăng kháng thể và khoáng chất (2 – 3 ngày cho ăn 1 lần, mỗi lần dùng 20 – 30%).
– Lót chuồng bằng đệm lót sinh học để xử lý mùi hôi và hạn chế dịch bệnh.
– Đối với gà lai chọi có thể bổ sung 30 – 35% chất xơ, mỗi loại một ít (chuối, bèo tây, ngô, cỏ voi…).
Nguồn: Người chăn nuôi (Hoàng Yến)