HỘI CHỨNG XUẤT HUYẾT GAN NHIỄM MỠ (Fatty liver haemorrhagic syndrome -FLHS)

      Xuất huyết gan nhiễm mỡ – FLHS là bệnh do rối loạn biến dưỡng, thường chủ yếu xảy ra trên gà đẻ nuôi chuồng hoặc lồng, hiếm khi được ghi nhận trên gà nuôi thả lan. Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng chết đột ngột, gan tích mỡ quá mức và xuất huyết với các mức độ khác nhau. Bệnh gây tổn thất do gây chết gà và làm giảm năng suất trứng. Bệnh thường liên quan đến khẩu phần năng lượng cao và thiếu vận động. 

NGUYÊN NHÂN

      FLHS là bệnh không truyền nhiễm, đặc trương bởi sự tích lũy mỡ quá mức ở gan và xoang bụng gây vỡ gan xuất huyết và chết thình lình ở gà đẻ. Xuất huyết nội tạng là nguyên nhân gây chết ở gà. Nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp và chưa được hiểu hoàn toàn, và được cho là do nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất là dinh dưỡng với khẩu phần năng lượng cao do tỷ lệ carbohydrate và chất béo cao. Bệnh thường xảy ra ở gia cầm nuôi nhốt do ít vận động nên không thể tiêu hủy năng lượng thừa. Bệnh chủ yếu xảy ra ở gà mái đẻ, trong giai đoạn năng suất trứng cao nhất, trong giai đoạn này với sự gia tăng nồng độ oestrogen trong máu do buồng trứng hoạt động kích thích gan dự trữ chất béo để tổng hợp lòng đỏ trứng. Sự kết hợp của khẩu phần năng lượng cao và tác động của oestrogen làm gà dễ mắc phải FLHS. Bệnh cũng thường được ghi nhận ở những tháng có nhiệt độ cao, nhiệt độ môi trường cao, gà cần ít năng lượng hơn, năng lượng dự thừa được tích lũy. Nhiệt độ môi trường cao, gà điều chỉnh thân nhiệt qua thải nhiệt qua hơi thở. Lượng mỡ trong cơ thể cao có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và làm mát cơ thể điều này càng làm gà dễ bị stress nhiệt và tổn thương gan. Độc tố nấm, đặc biệt là aflatoxin cũng gây hiện tượng tích lũy mỡ và xuất huyết ở gan, những độc tố khác hoặc chất độc do quá trình biến dưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến các mô liên kết ở gan cũng có thể tổn thương tế bào gan và gây xuất huyết. Thiếu Ca, Mg, P, vitamin D cũng có liên quan đến FLHS.

TRIỆU CHỨNG

     Bệnh thường xảy ra giai đoạn năng suất trứng cao nhất, giống nặng cân, ở gà mập (tương đương hay hơn 20% so với bình thường). Gà bệnh mào tích nhợt nhạt, da nhợt nhạt, lờ đờ, gà chết thình lình (do vỡ gan, xuất huyết nội tạng). Tỷ đẻ giảm đột ngột, tỷ lệ chết trong suốt thời gian đẻ có thể tăng lên đến 5% (Julian, 2005), và trong khoảng 0.8% (ở đàn gà mái tơ) đến 11.6% (ở đàn già) (Shini, 2019) 

      Gan nhiễm mỡ cũng làm giảm chuyển hóa Ca ở gia cầm ảnh hưởng đến cấu trúc xương và chất lượng vỏ trứng.

BỆNH TÍCH

ĐẠI THỂ

      Gan phồng to, màu vàng, mềm, ứ mỡ, cấu trúc gan không đồng nhất làm gan dễ vỡ và và xuất huyết, gan rất dễ vỡ khi chạm vào. Có những cục máu đông ở nhu mô gan, xoang bụng do gan vỡ, mỡ tích ở xoang bụng, màng treo ruột và ruột có nhiều mỡ.

    – Mức độ xuất huyết ở gan có thể được đánh giá qua việc cho điểm từ 1-5:

VI THỂ

      Có sự tích tụ mỡ trong các tế bào gan, và gan xuất huyết với những mức độ khác nhau.

PHÒNG TRỊ BỆNH

PHÒNG

      Cần kiểm soát trọng lượng và lượng thức ăn hằng ngày của gà đẻ. Nên định kỳ kiểm tra trọng lượng gà (1 lần/tháng). Cho gà ăn với khẩu phần năng lượng phù hợp, tránh khẩu phần thừa năng lượng ở giai đoạn gà đẻ trứng. Mật độ chuồng nuôi vừa phải để gà có thể vận động. Cần chú ý các yếu tố nhiệt độ, ẩm độ, chất lượng thức ăn cho đàn gà.

      Sự thay đổi màu sắc của gan từ đỏ nâu sang màu vàng là dấu hiệu của sự nhiễm mỡ, do đó nên theo dõi thường xuyên khi mổ khám gà để phát hiện gan nhiễm mỡ ở giai đoạn sớm của hội chứng gan xuất huyết – nhiễm mỡ nhằm có biện pháp thích hợp.

     Quản lý nuôi dưỡng đàn gà hợp lý, không để gà quá mập, đặc biệt trong giai đoạn hậu bị.

  • Tạo môi trường nuôi dưỡng thông thoáng và tránh yếu tố gây stress cho gà
  • Giảm mật độ để gà có thể vận động
  • Điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ chuồng phù hợp
  • Kiểm soát trọng lượng gà (1 tháng/ lần).
  • Sử dụng chất tăng chuyển hóa mỡ, trợ gan: Methionine, Insitol, Biotin,       L-trytophan, Carnitine, Betain
  • Bổ sung chất chống oxy hóa và khoáng: Vitamin C, Selenium, Ca, P, Mg. Khẩu phần chứa ít nhất 0.3 ppm selenium hữu cơ và 100 IU vitamin E/kg khẩu phần thức ăn và chất chống oxy hóa như ethoxyquin. Có nhiều báo cáo cho thấy khẩu phần thức ăn với khoáng vô cơ có nguy cơ bị FLHS nhiều hơn.

TRỊ

      FLHS xảy ra thường xuyên trên những gà ăn khẩu phần năng lượng cao  nên cần theo dõi thường xuyên về tăng trọng và lượng thức ăn hằng ngày của gà đẻ. Khi trại có vấn đề cần giảm năng lượng cung cấp cho gà qua việc thay khẩu phần có năng lượng hoặc giảm lượng thức ăn.

      Cần điều chỉnh mật độ để gà có thể vận động,  nhiệt độ, ẩm độ chuồng  nuôi cho phù hợp, đảm bảo chuồng thông thoáng.

      Cần tránh nhiệt độ và ẩm độ chuồng nuôi cao sẽ làm sự ất cân bằng năng lượng.

      Sử dụng chất tăng chuyển hóa mỡ, trợ gan : Methionine, choline, insitol, Vitamin B12, biotin, L-trytophan, carnitine, betain và selenium Bổ sung chất chống oxy hóa: vitamin E, C, Selenium.

Nguồn: Vemedim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *