CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG HEO NÁI

Nái tơ, mang thai, đẻ và nuôi con

1. Heo nái tơ:

Cho heo nái ăn ngày 2 lần. Cung cấp đầy đủ đạm và cân đối các chất đạm, khoáng, vitamin, xơ. Nếu dùng thức ăn hỗn hợp thì cho ăn khô và uống nước riêng. Nếu dùng thức ăn nhiều phụ phế phẩm thì phải nấu. Cho ăn thức ăn tinh trước, thô xanh sau để bảo đảm nhu cầu sinh trưởng của heo (heo ăn đủ lượng thức ăn tinh).

* Tuổi phối giống lần đầu: 

– Giống heo ngoại: 6 – 7 tháng tuổi, trọng lượng đạt 90 – 100 kg.

– Giống heo lai, heo nội: 7 – 8 tháng tuổi, trọng lượng đạt 70 – 80 kg.

* Chỉ nên cho heo phối giống sau khi lên giống 1 – 2 lần.

Thời điểm phối giống thích hợp là lúc âm hộ từ màu đỏ hồng chuyển sang đỏ sậm, hơi nhăn lại, dịch nhờn bắt đầu keo, dùng tay ấn vào mông nái đứng yên. Nên phối 2 lần: sáng sớm và chiều mát, cách nhau 8 giờ để heo đẻ sai con. Sau khi phối 21 ngày, nếu không động dục trở lại là nái đã đậu thai. Thời gian mang thai 114 ngày ( 3 tháng + 3 tuần + 3 ngày). Nên tắm mỗi ngày 1 lần để kích thích tuần hoàn và tiêu hoá, giúp heo sinh trưởng và phát dục tốt.

2. Heo nái mang thai:

Sau khi phối giống, giảm mức ăn xuống còn 1,8 – 2kg/con/ngày để tăng số thai định vị từ đó tăng số con đẻ ra cho mỗi nái. Cung cấp rau xanh đầy đủ, cho ăn thức ăn giàu đạm, dễ tiêu, giúp thai phát triển tốt. Nái mang thai từ 70 ngày trở đi được nuôi với mức ăn 2,5 – 2,8 kg/ con/ ngày để thai phát triển. Trước khi đẻ 15 – 20 ngày, mỗi ngày xoa bóp bầu vú heo nái 1- 2 lần nhằm kích thích phát triển (nhất là ở nái tơ) thông tia sữa và tránh nứt nẻ đầu vú, nếu thấy nứt nẻ thì bôi vaseline và kháng sinh để chống nhiễm trùng. Trước khi đẻ 10 ngày tiêm thuốc bổ sung vitamin A,D,E để giúp heo con sinh ra phát triển tốt. Trước khi đẻ 5 ngày tiêu độc chuồng trại bằng thuốc sát trùng. Tiêm cho nái thuốc tăng cường trao đổi chất và tăng sức đề kháng để kích thích tạo sữa nuôi con. Trước khi đẻ 1 – 2 ngày giảm dần thức ăn xuống 50%. Ngày cắn ổ cho nái nhịn ăn, cho uống nước đầy đủ để dễ đẻ.

3. Nái đẻ và nái nuôi con:

Chuẩn bị chuồng đẻ khô, sạch và ấm. Dụng cụ đỡ đẻ gồm khăn lau, kìm bấm răng, kéo hoặc lưỡi lam để cắt cuống rốn, thuốc sát trùng, chỉ cột rốn, thuốc tăng co bóp tử cung, cầm máu sau khi sinh và có chỗ úm heo con, đèn úm. Khi nái có biểu hiện bồn chồn, tiêu tiểu nhiều lần, đi tới đi lui, phân hòn, vú căng, nặn có sữa là biểu hiện cắn ổ. Khi bực ối, nước dịch màu hồng ở âm hộ chảy ra là nái sắp sinh. Khi nái nằm rặn, co chân sau phía trên về trước, có phân su chảy ra là lúc heo con sắp chui ra.

 Thao tác đỡ đẻ: đỡ ngang mình, dùng giẻ sạch, khô túm lấy heo con, lau và móc nhớt ở mũi, miệng, sau đó lau toàn thân, cột rốn cách bụng khoảng 2 cm, cắt cách chỗ cột rốn khoảng 1,5 cm, sát trùng vết cắt, dùng kìm bấm 8 răng và cho vào ổ úm. Cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt để chống bệnh tật. Nếu heo nái yếu sức, cơn rặn ngắn thì tiêm bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng, calcium và vitamin B12 hàm lượng cao giúp nái có sức rặn dài hơi hơn. Nếu nái không rặn, rặn đẻ yếu thì dùng thuốc tăng co bóp tử cung tiêm liều 30-40UI (34ml)/ liều/ lần giúp heo rặn đẻ tốt hơn. Có thể tiêm tiêm 2-3 liều nữa nếu nái tiếp tục không rặn (chỉ ngủ) hoặc rặn đẻ yếu, nhưng mỗi liều phải cách nhau khoảng 2 giờ.

Sau khi nái đẻ xong có thể tiêm thêm một liều thuốc tăng co bóp tử cung (2-3ml) để kích thích phún sữa và ra nhau. Tháng đầu nái nuôi con, cần giữ ổ ấm, không tắm cho heo mẹ. Cho heo nái nuôi con ăn ngày 3-4 lần, khẩu phần không hạn chế, thức ăn giàu năng lượng, đủ protein, khoáng, vitamin, nên bổ sung vào thức ăn các loại Thức ăn bổ sung chuyên dùng cho heo nái.

Nguồn: Vemedim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *