BỆNH THIẾU MÁU VÀ BỆNH CẦU TRÙNG Ở HEO

Thiếu máu là tình trạng lượng huyết sắc tốc, số lượng hồng cầu, hoặc thể tích máu không đủ, kết quả là thiếu lượng oxy đến các mô và cơ quan của cơ thể. Ở heo con theo mẹ thiếu máu chủ yếu là do thiếu sắt. Thiếu máu sẽ dẫn đến tác động xấu đến thể trạng, đáp ứng miễn dịch và tình trạng sức khỏe của heo. Heo con thiếu máu sẽ tăng trọng, chuyển hóa thức ăn kém và rất dễ mắc bệnh.

NGUYÊN NHÂN BỆNH THIẾU MÁU

Nguyên nhân gây thiếu máu ở heo con chủ yếu là do thiếu sắt. Sắt là một thành phần của hemoglobin, là một loại protein trong hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển O2 đến các mô và cơ quan và loại thải CO2 ra khỏi cơ thể. So với các loài động vật khác, heo con là đối tượng có nguy cơ bị thiếu máu cao nhất vì lượng sắt dự trữ trong gan rất thấp chỉ có thể duy trì vài ngày sau khi sinh (khoảng 50 mg).

Hình 1. Sắt là thành phần chủ yếu của hemoglobin
Hình 1. Sắt là thành phần chủ yếu của hemoglobin

Ở những heo tăng trưởng nhanh, vào tuần tuổi thứ 3 heo con cần từ 300 – 400 mg sắt. Trong tự nhiên heo con tự bổ sung sắt từ đất ở ngoài môi trường, nhưng trong chăn nuôi công nghiệp heo con không thể tiếp cận được nguồn sắt này.Trong khi đó, sữa đầu và sữa heo nái ở những ngày sau đó không cung cấp đủ nhu cầu hằng ngày của heo con là 7-16 mg/ngày tương (đương 21mg/KgP). Nếu so sánh trong 1 lít sữa heo nái chỉ chứa khoảng 1.5 mg sắt, nghĩa là sữa chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu hằng ngày của heo con.

Thiếu máu ở heo cũng có thể là dấu hiệu lâm sàng do kế phát từ một số bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng, trong đó đáng chú ý là bệnh cầu trùng rất phổ biến ở heo con theo mẹ, nếu chẩn đoán không đúng và dùng kháng sinh không thể điều trị khỏi bệnh. Nếu heo con bị thiếu máu do thiếu sắt và bệnh cầu trùng cùng một lúc sẽ làm bệnh trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất chăn nuôi.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀN VÀ BỆNH TÍCH DO THIẾU MÁU

Triệu chứng và bệnh tích thay đổi tùy theo lứa tuổi. Heo không được bổ sung sắt sẽ gầy ốm và còi cọc rất nhanh chỉ sau khoảng 1-2 tuần. Heo con từ 7 ngày tuổi, có vẻ xanh xao, nhợt nhạt, da có thể hơi vàng, niêm mạc mắt nhợt nhạt, chậm lớn, gầy yếu, tiêu chảy, chịu lạnh kém. Trong trường hợp thiếu máu nặng ở heo 3-4 tuần tuổi heo có biểu hiện thở nhanh, đặc biệt là sau khi vận động, có thể chết thình lình. Heo dễ cảm nhiễm với nhiều mầm bệnh, lúc này bên cạnh các biểu hiện do thiếu máu, heo còn có những triệu chứng và bệnh tích đặc trưng của bệnh mà heo cảm nhiễm. Tỷ lệ heo con chết trước lúc cai sữa tăng cao. Heo từ 4-10 tuần tuổi thiếu sắt cũng có triệu chứng và bệnh tích tương tự. 

Qua mổ khám thấy niêm mạc, mô và các cơ quan nhợt nhạt, thành cơ tim mỏng, tích dịch ở phổi, cơ, khớp và mô liên kết. Trong trường hợp heo con chết thình lình có thể thấy tim và lách đặc biệt to, tích dịch bao tim, xoang bụng, phù ở nhiều mô, và gan nhiễm mỡ.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀN VÀ BỆNH TÍCH DO CẦU TRÙNG

Bệnh cầu trùng thường xảy ra 5 – 17 ngày tuổi. Biểu hiện chính ở heo bệnh thường là tiêu chảy phân màu vàng sền sệt, xám sền sệt hoặc hơi vàng lỏng, có thể có bọt. Heo gầy ốm, mất nước, thân sau dính phân lỏng, luôn ẩm ướt và có mùi hôi, bệnh kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu máu. Nếu có kế phát thêm các tác nhân gây bệnh khác bệnh trở nên nặng hơn. Trong lứa đẻ có nhiều con mắc bệnh, tỷ lệ chết có thể lên đến 20-30%, heo khỏi bệnh chậm lớn, còi cọc.

Bệnh tích mổ khám cho thấy ruột nhão, kém đàn hồi, chất chứa bên trong lỏng hoặc sền sệt như kem. Thành ruột dày, hoại tử niêm mạc không tràng và hồi tràng. Kiểm tra tiêu bản ruột có thể thấy cầu trùng phát triển ở những giai đoạn khác nhau trong niêm mạc ruột. Nhung mao ruột teo, cùn, ruột viêm với nhiều điểm hoại tử, loét ở biểu mô niêm mạc ruột. Điều này làm giảm khả năng hấp thu của ruột và dẫn đến tình trạng mất nước và tiêu chảy.

CHUẨN ĐOÁN

Thiếu máu có thể được chẩn đoán dựa vào thông tin như heo không được cung cấp sắt đầy đủ, biểu hiện lâm sàng, bệnh tích và kết hợp với xét nghiệm máu. Các chỉ tiêu sinh lý máu bao gồm thể tích hồng cầu và hàm lượng hemoglobin (Mức độ bình thường 9-15g/100ml, thiếu máu <8g/100ml). Cần thực hiện tiêu bản máu để quan sát hình dạng và kích thước của hồng cầu cũng như phát hiện các hiện vi sinh vật gây bệnh.

Cầu trùng có thể chẩn đoán dựa vào đặc điểm dịch tễ, triệu chứng, bệnh tích, heo bệnh không đáp ứng với kháng sinh. Kiểm tra cầu trùng từ các mẫu tiêu bản ruột, và/hoặc từ mẫu phân heo bệnh.

PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH THIẾU MÁU

PHÒNG

Để phòng bệnh thiếu sắt ở heo con, biện pháp trước tiên là tiêm 100- 200 mg sắt dextran, liều 1-2ml/ con. Tốt nhất nên tiêm sắt cho heo vào khoảng từ 3-5 ngày tuổi, không nên tiêm lúc mới sinh. Lưu ý liều 2ml cho heo sơ sinh có thể gây tổn thương cơ. Sắt cũng có thể được cung cấp qua đường uống, nhưng cần lặp lại từ 2-3 lần ở 7, 10 và 15 ngày tuổi. Ngoài ra, trên thị trường có các loại Gel bổ sung sắt dùng cho heo con liếm tự do. Ở heo lớn cần định kỳ tẩy ký sinh trùng và kiểm tra phân để phát hiện ký sinh trùng, kiểm tra hàm lượng sắt trong thức ăn.

ĐIỀU TRỊ

Có nhiều sản phẩm bổ sung sắt qua đường tiêu hóa, nhưng hiệu quả kém do đó sử dụng một liều là không đủ và cần phải sử dụng nhiều lần trong hai tuần đầu. Ngoài ra việc cung cấp thuốc qua thức ăn hay nước uống, lượng sắt đưa vào cơ thể không chính xác. Điều quan trọng nữa là do cấu tạo niêm mạc ruột non heo con sơ sinh chưa hoàn thiện, chỉ có có thể hấp thu một lượng sắt nhỏ mỗi ngày, không thể giúp con vật khỏi tình trạng thiếu máu nhanh chóng. Do đó, đường cung cấp sắt để phòng và trị thiếu máu hiệu quả nhất là qua đường tiêm, đảm bảo liều lượng đưa vào cơ thể heo một cách chính xác. Tuy nhiên, một số người chăn nuôi lo ngại về những phản ứng tại vị trí tiêm, thì nên tiêm sắt cho heo con lúc 3 ngày tuổi. Ngoài ra, cần kiểm tra hàm lượng sắt và đồng trong thức ăn. Nên tiêm sắt cho heo với liều 200 – 500 mg tùy vào lứa tuổi heo. Gleptoferron, một chế phẩm sắt mới cho thấy có tính hiệu quả hơn so với iron dextran (Sperling et al., 2018), gleptoferron có tính sinh khả dụng cao vào nhanh chóng, 96% thuốc được hấp thu trong 24 giờ, không tích tụ ở vị trí tiêm, không gây tổn thương cơ, có thể sử dụng lúc 1 ngày tuổi, chỉ cần một liều tiêm có thể phòng chứng thiếu sắt trên heo.

Trong trường hợp bệnh nặng cần bổ sung chất điện giải, có thể qua đường uống hoặc tiêm. Cần điều trị các bệnh gây ra thiếu máu khác dựa vào biểu hiện lâm sàng của bệnh và kết quả xét nghiệm.

PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH CẦU TRÙNG

Để phòng bệnh cầu trùng có hiệu quả cần thực hiện an toàn sinh học, chuồng nái đẻ cần được phải được tẩy rửa, sát trùng cẩn thận, cần có thời gian để trống chuồng một thời gian trước khi đưa heo nái đẻ vào.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc phòng và trị cầu trùng trên động vật, Toltrazuril là thuốc trị cầu trùng được chứng minh có hiệu quả nhất, có thể sử dụng qua đường uống hoặc đường tiêm, thường được sử dụng trong quy trình phòng bệnh cho heo con từ 3–5 ngày tuổi.

Nguồn tham khảo: Vemedim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *