QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG AO NUÔI TÔM THÂM CANH VÀ SIÊU THÂM CANH

ĐẶT VẤN ĐỀ

      Nghề nuôi tôm nước mặn lợ của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, trong đó các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh và nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng. Theo FAO (2022) Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 4 của thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, Việt Nam đã vươn lên hạng 2 thế giới về sản lượng nuôi giáp xác với sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn.

      Bên cạnh những thuận lợi thì nghề nuôi thủy phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời tiết thay đổi bất thường, sự suy thoái về chất lượng nước, nguồn nước cấp bị ô nhiễm do chất thải thải ra từ các vùng nuôi, dịch bệnh phát sinh. Hơn nữa, để phòng trị bệnh người nuôi thường sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc kháng sinh làm cho môi trường càng bị ô nhiễm trầm trọng hơn và sản phẩn thủy sản được sản xuất ra không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để khắc phục những rủi ro về suy thoái chất lượng nước, ô nhiễm môi trường và sản xuất ra sản phẩm sạch, một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã và đang được áp dụng hiện nay.

      Trong bài viết này Anivacc xin chia sẻ với người nuôi tôm một số sự cố về chất lượng nước thường xảy ra ở ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và một số mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường và an toàn sinh học được trích dẫn từ chia sẻ của giáo sư Trương Quốc Phú.

TRỞ NGẠI VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC TRONG AO NUÔI TÔM THÂM CANH, SIÊU THÂM CANH

1.1. Chất thải gây độc cho tôm và gây ô nhiễm môi trường

      Trong ao nuôi tôm thâm canh hoặc siêu thâm canh thì mật độ tôm rất cao (100-500 con/m2), để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng của tôm thì một lượng lớn thức ăn được cung cấp vào ao nuôi hàng ngày. Thức ăn được tôm sử dụng một lượng nhỏ vật chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phần lớn sẽ được thải ra môi trường nước ở dạng chất thải hòa tan (NH3, NO2, CO2…) và chất thải hữu cơ không hòa tan (phân tôm, thức ăn thừa…). Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng nước suy thoái dần về cuối vụ nuôi. Quá trình sản sinh chất thải trong ao nuôi tôm được mô tả qua hình sau:

      Theo nghiên cứu của Nguyen et al. (2015), tôm thẻ chân trắng trong mô hình nuôi thâm canh chỉ sử dụng 37% N chứa trong thức ăn cho quá trình sinh trưởng, 63% N từ thức ăn tôm sẽ thải ra môi trường nước dưới dạng NH3 và chất lắng tụ ở đáy ao. Tương tự, nghiên cứu của Barraza-Guardado et al. (2015) trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, tôm chỉ sử dụng 31,6% N từ thức ăn cho quá trình sinh trưởng, 68,4% N tơ từ thức ăn cũng bị thải ra môi trường nước ao. Ngoài chất thải NH3, tôm cũng thải ra một số hợp chất chứa N khác như, NO2, NO3, acid uric… (Chen và Chen, 1992; Chen et al., 1994; Shahkar et al., 2014) cũng gây bất lợi cho tôm trong ao nuôi. Phân tôm và thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến quá trình phân hủy kỵ khí sinh ra nhiều chất độc như H2S, NO2

      Các nghiên cứu về tính độc của NH3 đối với họ tôm he (Penaeidae) cho thấy NH3 có thể gây ra một số ảnh hưởng sau: Tổn thương mang, giảm khả năng vận chuyển oxy dẫn đến tôm bị thiếu oxy; Giảm khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu dẫn đến mất cân bằng ion trong cơ thể; Tổn thương hệ thần kinh trung ương; Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của tôm làm cho tôm mẫn cảm hơn với mầm bệnh. Những ảnh hưởng trên, tùy theo mức độ mà có thể làm cho tôm giảm sinh trưởng, dễ mắc bệnh hoặc bị chết.

      Đối với độc tố NO2, khi hàm lượng NO2– trong môi trường cao chúng sẽ xâm nhập qua mang đi vào huyết tương. Kết quả, NO2 làm giảm hàm lượng oxyhemocyanin dẫn đến tình trạng thiếu oxy, hay nói cách khác là NO2 làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu tôm. Ngoài ra, NO2 còn gây ra hiện tượng tôm lột xác không hoàn toàn và mềm vỏ sau khi lột xác, người nuôi tôm thường gọi hiện tượng này là tôm bị “rớt cục thịt”. Tôm lột xác không hoàn toàn, phần lớn là bị dính giáp đầu hoặc đốt đuôi hoặc chân bò, tôm sẽ chết ngay sau khi lột xác nên vỏ bị mềm.

      Khi phân tôm và thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao lâu ngày sẽ sinh ra khí H2S, khí H2S là khí cực độc đối với tôm, cơ chế gây độc của H2S chủ yếu là tác động phản ứng oxy hóa hô hấp ở ty thể. H2S gây ức chế hoạt động của enzyme cytochrome a3 làm cản trở hệ thống vận chuyển điện tử của quá trình oxy hóa hô hấp (làm ngừng phản ứng hô hấp). H2S còn làm tăng hàm lượng lactate trong máu và quá trình thủy phân glycogen kỵ khí. Ngoài ra, H2S cũng làm cản trở quá trình phosphoryl hóa–oxy hóa, một phản ứng tạo năng lượng cho tế bào. Biểu hiện của tôm đối với tác động của H2S là biểu hiện thiếu oxy, tôm kéo đàn hoặc chết ngạt nếu hàm lượng H2S trong nước cao.

      Nguồn chất thải từ ao nuôi tôm phần lớn chưa được xử lý, đặc biệt là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Theo Lê Trần Tiểu Trúc và ctv. (2018) 80% hộ nuôi Bạc Liêu, 23% hộ nuôi ở Sóc Trăng, 35% hộ nuôi ở Cà Mau không xử lý nước thải, phần lớn là thải trực tiếp ra môi trường. Đối với bùn thải thì gần như không được xử lý, các hộ nuôi chủ yếu là bơm vào ao chứa bùn hoặc ủi lên bờ. Nước thải và bùn thải khi phát tán ra môi trường xung quanh sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước cấp. Hơn nữa đối những ao nuôi xảy ra dịch bệnh, mầm bệnh sẽ theo nước và bùn lan truyền rộng khắp vùng nuôi.

1.2. Hiện tượng thiếu khoáng và mất cân bằng khoáng

      Một trở ngại khác trong nuôi tôm đó là hiện tượng thiếu khoáng hoặc mất cân bằng khoáng, đặc biệt là mô hình nuôi siêu thâm canh áp dụng công nghệ ít thay nước hoặc không thay nước. Trong quá trình sinh trưởng, tôm thường xuyên lột xác và tạo vỏ mới, cho nên tôm cần nhiều chất khoáng để tạo vỏ. Khác với cá và động vật trên cạn, tôm hấp thụ N, P, S qua thức ăn, trong khi các loại khoáng khác tôm hấp thụ một lượng lớn từ môi trường nước. Điều này làm cho hàm lượng khoáng trong nước bị giảm dần trong quá trình nuôi, nếu không được bổ sung sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu khoáng. Ngoài ra, do nhu cầu của từng loại khoáng khác nhau nên mức độ hấp thụ khoáng từ môi trường nước cũng khác nhau. Tuy nhiên, việc bổ sung khoáng của người nuôi thường không đáp ứng đủ nhu cầu của tôm, dẫn đến hiệu tượng mất cân đối về khoáng. Một số nông dân sử dụng nước ngầm để nuôi tôm thay cho nước mặn, điều này làm cho hiện tượng mất cân đối về khoáng càng trầm trong hơn. Tôm bị thiếu khoáng hoặc mất cân đối về khoáng sẽ gây ra một số biểu hiện như mềm vỏ, cong thân, đục cơ…. Tôm sẽ bị hao hụt dần trong quá trình nuôi, tỉ lệ sống giảm.

1.3. Hiện tượng thiếu oxy cục bộ

      Hiện tượng thiếu oxy cục bộ trong ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh xảy ra dẫn đến tôm sẽ kéo đàn nổi lên mặt nước, tấp mé. Mặc dù hiện tượng tôm kéo đàn, tấp mé được gọi là “thiếu oxy” nhưng yếu tố môi trường tác động đến tôm không chỉ là hàm lượng oxy hòa tan thấp mà còn do nhiều yếu tố khác tác động đồng thời như hàm lượng CO2 cao, nhiều độc tố như NO2, H2S, NH3, hàm lượng xác hữu cơ cao… Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ thường do hai nguyên nhân chính: (i) tảo nở hoa và tảo tàn sau khi nở hoa; (ii) mật độ hạt biofloc cao (trong mô hình nuôi áp dụng công nghệ biofloc). Mật độ tôm trong mô hình nuôi thâm canh hay siêu thâm canh khá cao, tôm bài tiết nhiều muối dinh dưỡng và chất hữu cơ (chất thải hòa tan và không hòa tan), đây là nguồn dinh dưỡng tốt cho sự nở hoa của tảo. Vào ban ngày, tảo quang hợp mạnh tạo ra nhiều oxy bù đắp cho lượng oxy mất đi do hô hấp của tất cả sinh vật sống trong ao (tảo, vi khuẩn, động vật phù du, tôm) cho nên hàm lượng oxy hòa tan được duy trì ở mức thích hợp cho tôm (lớn hơn 4 mg/L). Ngược lại, vào ban đêm tất cả sinh vật trong ao đều hô hấp, kể cả tảo làm cho hàm lượng oxy hòa tan giảm thấp, hàm lượng CO2 tăng cao. Trường hợp tảo nở hoa, mật độ tảo cao cho nên chúng tiêu thụ rất nhiều oxy vào ban đêm dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ vào thời điểm đêm khuya cho đến sáng sớm. Hơn nữa, cuối chu kỳ nở hoa tảo sẽ tàn, xác tảo sẽ lắng tụ ở đáy ao, quá trình phân hủy xác tảo sẽ tiêu thụ nhiều oxy và sinh ra các chất độc NO2, H2S, NH3.

      Trong mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ biofloc, khi hạt biofloc phát triển đạt thể tích lớn hơn 15 mL/L sẽ gây nên hiện tượng thiếu oxy cục bộ. Thành phần của hạt biofloc bao gồm hạt hữu cơ, vi khuẩn, tảo và một số vi sinh vật khác, chính vì trong hạt biofloc chứa nhiều vi sinh vật nên quá trình hô hấp của chúng sẽ tiêu thụ nhiều oxy và thải ra nhiều CO2. Tương tự trường hợp tảo nở hoa, tảo trong hạt biofloc quang hợp (ban ngày) tạo ra oxy bù đắp lượng oxy mất đi do quá trình hô hấp, nhưng vào ban đêm tảo không còn quang hợp, không tạo ra oxy nên hàm lượng oxy giảm nhanh dẫn đến sự thiếu hụt oxy cho tôm và cả cho vi sinh vật chứa trong hạt biofloc. Sự thiếu hụt oxy cũng làm cho hạt biofloc bị tàn (tương tự như tảo tàn), quá trình phân hủy xác của hạt biofloc cũng sinh ra nhiều chất độc. Các chất độc như NO2, H2S và CO2 có tác động làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu tôm, điều này làm cho hiện tượng thiếu oxy cục bộ trở nên trầm trọng hơn.

GIẢI PHÁP XỬ LÝ, KHẮC PHỤC NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC

2.1 Giải pháp xử lý chất thải, chất độc trong ao nuôi tôm

      Như đã trình bày ở trên, các chất bài tiết của tôm thường là những chất độc. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm giảm quá trình này bởi vì tôm ăn khỏe, lớn nhanh và đương nhiên sẽ bài tiết nhiều hơn, nếu làm giảm quá trình bài tiết chắc chắn tôm sẽ chậm lớn và tỉ lệ sống sót thấp. Vì vậy, để làm giảm các chất độc, duy trì chất lượng nước tốt cần phải áp dụng một số biện pháp hay công nghệ xử lý chất thải của tôm.

      Đầu tiên cần phải loại bỏ thức ăn thừa, phân tôm và xác hữu cơ (xác tảo, động vật…) ra khỏi ao nuôi. Để thực hiện điều này, ao nuôi tôm cần được thiết kế có hố gom bùn ở giữa ao để tiện cho việc hút bùn đáy ao. Hệ thống sục khí, quạt nước cần được bố trí sao cho có dòng chảy tạo lực hướng tâm giúp chất thải gom tụ ở hố gom bùn. Bùn đáy sau khi được hút ra khỏi ao nuôi cần được tiếp tục xử lý, tránh trường hợp thải trực tiếp ra môi trường. Có thể áp dụng công nghệ biogas hay hồ sinh học để xử lý bùn đáy ao.

      Để loại bỏ chất độc hòa tan trong nước có thể áp dụng một số công nghệ như công nghệ biofloc, công nghệ lọc sinh học tuần hoàn hay công nghệ lọc sinh học kết hợp đa loài.

      Công nghệ bioflocs được sử dụng phổ biến trong nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi cá rô phi thâm canh hoặc siêu thâm canh. Công nghệ này có thể giúp xử lý cả chất thải hòa tan và chất thải không hòa tan. Nguyên lý của công nghệ này dựa trên sự phát triển của các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn và tảo trên các hạt vật chất lơ lửng tạo thành các hạt bioflocs (bông cặn sinh học. Quá trình hình thành các hạt bioflocs, vi khuẩn sử dụng nguồn carbon (C) từ các hạt vật chất hữu cơ lơ lửng và các muối dinh dưỡng và để tổng hợp nên chất hữu cơ (C5H702NP0.1) và tảo cũng cần nguồn C từ CO2 để tổng hợp chất hữu cơ (C106H181O45N16P) để sinh trưởng. Chính nhờ quá trình này mà các chất dinh dưỡng (chất hữu cơ, NH4+, NO3, PO43-), các chất độc (NH3, NO2) được vi khuẩn và tảo hấp thụ rồi chuyển hóa thành sinh khối của chúng giúp làm sạch nước.

      Tuy nhiên, trong môi trường ao nuôi tôm thì các hạt bioflocs ít được hình thành do thiếu cơ chất C, tỉ lệ C:N của nước ao nuôi rất thấp (khoảng 1:1) trong khi đó tỉ lệ C:N chứa trong sinh khối của hạt bioflocs khoảng 5-6:1. Vi khuẩn và tảo thường chỉ sử dụng 50% nguồn C có trong cơ chất để tổng hợp hữu cơ cho nên cần phải bổ cơ chất chứa C với tỉ lệ C:N >12:1 để kích thích sự phát triển của vi khuẩn và tảo tạo thành các hạt bioflocs. Vì vậy, các cơ chất chứa C như mật rỉ đường, tinh bột thường được bổ sung vào ao nuôi để tạo các hạt bioflocs. Ngoài việc cung cấp nguồn C, việc bổ sung chế phẩm vi sinh là cần thiết để làm gia tăng mật độ vi khuẩn có lợi thúc đẩy nhanh quá trình sản sinh ra hạt biofloc.

Công nghệ tuần hoàn sử dụng vi khuẩn dựa trên nguyên lý của quá trình nitrate hóa theo phản ứng hóa học sau đây:

NH4+ + 1.86O2 + 1.98HCO3–  ®  0.02C5H7NO2 + 0.98NO3+ 1.88H2CO3 + 1.04H2O

Công nghệ này thường được áp dụng ở quy mô nhỏ, trong nhà. Bể lọc sinh học cần có giá thể và điều kiện ánh sáng yếu để nuôi hai nhóm vi khuẩn nitrate hóa Nitrosomonas, Nitrobacter nên khó áp dụng ở quy mô lớn và ngoài trời. Hơn nữa, giá thể lọc thường rất đắt nên khi nuôi với quy mô lớn thì vốn đầu tư rất cao. Hệ thống tuần hoàn sử dụng vi khuẩn nitrate hóa chỉ xử lý được chất thải không hòa tan và TAN (NH3 và NH4+), các muối dinh dưỡng như NO3 và PO43- sẽ không được xử lý nên chúng tích tụ ngày càng nhiều trong hệ thống. Chất thải không hòa tan sẽ được tách khỏi hệ thống và được xử lý riêng hoặc được xử lý trong bể phản nitrate.

Công nghệ tuần hoàn kết hợp đa loài sử dụng một số loài động vật (hàu, vẹm, cá rô phi…) để xử lý chất lơ lửng, sau đó sử dụng thực vật (rong câu, rong sụn…) để hấp thụ muối dinh dưỡng (TAN và PO43- …) để làm sạch nước. Nước sau khi được lọc sạch sẽ được đưa trở lại ao nuôi tôm (tái sử dụng).

2.2. Giải pháp cung cấp chất khoáng cho tôm

      Theo mô hình nguồn gốc của sự sống Oparin-Haldane thì sinh vật sống đầu tiên (tổ tiên của sinh vật sống) được hình thành từ nước biển cho nên trong cơ thể hầu hết sinh vật ngày nay đều có thành phần và tỉ lệ khoáng tương tự như nước biển. Tôm nước lợ sống trong môi trường nước biển bị pha loãng (nước biển pha loãng với nước sông), đây cũng là môi trường thuận lợi cho chúng. Tỉ lệ của ion Na+ so với K+ và Mg2+ so với Ca2+ trong nước quan trọng hơn độ mặn. Tỉ lệ không phù hợp của các khoáng chất trong nước dẫn đến gây sốc về thẩm thấu có ảnh hưởng đối với sự tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm. Như vậy, để đảm bảo đời sống bình thường của thủy sinh vật thì trong dịch tế bào cần có tỉ lệ nhất định giữa ion hóa trị 1 (Na+, K+) và ion hóa trị 2 (Ca2+, Mg2+), tỉ số này được gọi là hệ số Lob, hệ số này đặc trưng cho từng loài. Trong nước biển tự nhiên, tỉ lệ Na:K, Mg:Ca và Ca:K tốt nhất nên là 28,5:1, 3,37:1 và 1,05:1. Hàm lượng và tỉ lệ khoáng thích hợp (cân bằng) cho tôm có thể được tính theo công thức sau:

Nồng độ ion thích hợp (mg/L) = Độ mặn (‰) x Hệ số của ion

        Trong đó hệ số của các ion Cl, Na+, SO42-, Mg2+, Ca2+  và K+ lần lượt là 550; 304,5; 78,3; 39,1; 11,6; và 10,7.

      Đối với các loài tôm nước lợ, biện pháp bổ sung thêm khoáng trong môi trường nuôi có độ mặn thấp hoặc mất cân đối khoáng, đặc biệt là nước ngầm là rất cần thiết. Các loại khoáng vô cơ dễ tan như NaCl, CaSO4, MgSO4, CaCl2, MgCl2, KCl, K2SO4, NaHCO3, dolomite… thường được sử dụng để tạo ra một số sản phẩm chuyên biệt cho nuôi tôm. Để cung cấp khoáng vi lượng, nếu bổ sung các khoáng đơn từ nguồn nguyên liệu thì không tiện dụng và không khả thi, có thể sử dụng các sản phẩm khoáng tổng hợp sẵn có trên thị trường (khoáng tạt) để bổ sung khoáng vi lượng cho nước ao.

      Ngoài biện pháp bổ sung khoáng vào nước, trong một số trường hợp có thể áp dụng biện pháp bổ sung vào thức ăn, nhưng cần phải lưu ý sử dụng các loại khoáng dễ hấp thu, ít bị tan trong nước và loại trừ các chất kháng dinh dưỡng. Để làm tăng khả năng hấp thu khoáng từ thức ăn của tôm, các phức khoáng hữu cơ (complex hay chelate) được phối chế trong thức ăn. Complex được tạo thành do ion kim loại liên kết với phân tử hữu cơ bằng một liên kết cộng hóa trị (covalent). Trong hóa học chelate là phức được tạo thành do ion kim loại liên kết với các phân tử chất hữu cơ bằng nhiều liên kết cộng hóa trị, có từ 2-3 phân tử chất hữu cơ kẹp lấy một ion kim loại. Một số phức khoáng hữu cơ thường được dùng trong phối chế thức ăn thủy sản gồm: Cu-Lysine, Zn-Lysine, Fe-Methionine, Mn-Methionie, Zn-Methionine, Ca-Amino acid, K-Amino acid, Mg-Amino acid, Co-Amino acid, Mn-Amino acid, Cu-Proteinate, Zn- Proteinate, Fe- Proteinate, Co-Proteinate, Mg-Proteinate, Ca-Proteinate, Mn-Proteinate, Cu-Polysaccharide, Zn-Polysaccharide, Fe-Polysaccharide… Việc dùng các khoáng hữu cơ trong thức ăn thủy sản có tác dụng: (i) làm giảm sự đối kháng, giảm gây nhiễu và giảm sự cạnh tranh giữa các loại khoáng; (ii) Cải thiện độ hữu dụng của khoáng; (iii) Chống các chất kháng dinh dưỡng như phytate hay oxalate; (iv) Giảm sự hòa tan khoáng trong nước gây ô nhiễm kim loại, bảo vệ môi trường.

2.3. Biện pháp kiểm soát mật độ tảo và thể tích biofloc, tránh hiện tượng thiếu oxy cục bộ

      Trong ao nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, hàm lượng muối dinh dưỡng (do tôm bài tiết ra) tăng nhanh dẫn đến tảo nở hoa là khó tránh khỏi, để kiểm soát mật độ tảo thì thay nước là biện pháp đơn giản nhất. Tuy nhiên, nếu lấy nguồn nước mặt tự nhiên để thay thì sẽ có nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào trong ao nuôi và ngược lại nước ao xả ra bên ngoài có thể gây ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo an toàn về môi trường và dịch bệnh, trong trang trại cần có hệ thống ao “nuôi nước” gồm ao lắng, ao xử lý và ao chứa nước sau xử lý. Để kiểm soát mật độ tảo trong ao nuôi, diệt tảo là một biện pháp đơn giản có thể được áp dụng. Tuy nhiên, nếu diệt tảo trực tiếp trong ao nuôi sẽ gây ra một vài tác động xấu như hóa chất diệt tảo gây ảnh hưởng đến tôm, hơn nữa khi tảo chết xác tảo bị phân hủy trong ao sẽ làm giảm oxy hòa tan và sinh ra thêm nhiều chất độc. Để áp dụng hiệu quả biện pháp diệt tảo, nên diệt tảo trong ao xử lý. Nước ao nuôi tôm (có mật độ tảo cao) được bơm vào ao xử lý, sử dụng chất diệt tảo để diệt toàn bộ tảo trong ao xử lý, để lắng vài ngày cho hóa chất diệt tảo bị phân hủy hoàn toàn và xác tảo lắng xuống đáy ao, sau đó nước trong được đưa trở lại ao tôm.

      Hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài cũng là một mô hình thể kiểm soát tốt mật độ tảo, tránh được hiện tượng thiếu oxy cục bộ. Trong quá trình vận hành mô hình, nước từ ao nuôi tôm (có chứa tảo và muối dinh dưỡng) được đưa sang ao nuôi cá, tại đây cá sẽ ăn tảo và những hạt vật chất lơ lửng kích thước lớn. Nước sau đó tiếp tục chảy sang ao nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ để lọc sạch tảo các hạt vật chất lơ lửng kích thước nhỏ. Nước tiếp tục chảy qua ao trồng rong biển để làm sạch muối dinh dưỡng, cuối cùng nước được đưa trở lại ao tôm. Đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ biofloc, nếu khống chế mật độ hạt biofloc ở mức thấp (mô hình nuôi semi-biofloc) thì không đủ để loại bỏ các chất độc (NH3, NO2) trong nước, nhưng nếu duy trì một độ hạt biofloc ở mức cao (>15 mL/L) thì sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ vào ban đêm. Để có thể xử lý hoàn toàn chất độc trong ao nuôi nhưng không bị tình trạng thiếu oxy cục bộ, hạt biofloc cần được loại bớt ra khỏi ao nuôi. Lắng trọng lực là một kỹ thuật đơn giản để loại bớt hạt biofloc ra khỏi ao nuôi, hạt biofloc có kích thước và tỉ trọng tương đối lớn nên chúng sẽ lắng trong khoảng thời gian vài giờ ở điều kiện yên tĩnh. Nước trong ao nuôi tôm chứa hạt biofloc được đưa vào ao lắng, trong điều kiện không sục khí hạt biofloc sẽ lắng xuống đáy ao, phần nước trong sẽ được đưa trở lại ao nuôi. Quá trình xử lý loại bớt hạt biofloc có thể thực hiện liên tục hoặc gián đoạn theo từng mẻ. Phần hạt biofloc lắng tụ cần được thường xuyên hút ra khỏi ao lắng và được xử lý bằng phương pháp thích hợp, có thể áp dụng công nghệ biogas hoặc hồ sinh học để xử lý chúng.

      Như vậy, quá trình xử lý các chất độc (NH3, NO2…) bằng công nghệ biofloc được thực trong ao nuôi bằng cách bổ sung nguồn C và chế phẩm vi sinh để kích thích sự hình thành các hạt biofloc. Vi sinh vật (vi khuẩn, tảo) chứa trong hạt biofloc sẽ hấp thụ các chất độc và C để tổng hợp vật chất sống trong sinh khối của chúng để tăng trưởng và sinh sản sau đó chúng được tách khỏi ao nuôi. Bằng cách này, mật độ hạt biofloc được duy trì ở mức thấp nhưng có thể xử lý toàn bộ chất độc mà không gây nên tình trạng thiếu oxy cục bộ. Phương pháp này cũng có thể áp dụng để xử lý nguồn nước thải chứ nhiều muối dinh dưỡng sau khi kết thúc vụ nuôi.

      Trên đây là những trở ngại về chất lượng nước thường xảy ra trong ao nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, các biện pháp khắc phục các trở ngại theo hướng ứng dụng các quy trình công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Bài viết này chỉ đề cập đến một vài khía cạnh trong nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, chắc chắn rằng sẽ không đầy đủ và có những thiếu sót, rất mong được sự góp ý của bạn đọc. Hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin bổ ích cho độc giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *