I. NGUYÊN NHÂN
Ruột tôm bị đứt khúc có thể do các nguyên nhân sau:
- Do nhiễm khuẩn Vibrio spp: Vibrio spp hiện diện phổ biến trong nước ao nuôi tôm nước lợ, nước mặn. Khi môi trường nuôi tốt thì Vibrio spp hiện diện ở mật độ thấp (≤102CFU/ml) không gây bệnh cho tôm. Khi môi trường nuôi ô nhiễm, vi khuẩn sẽ gia tăng mật số và xâm nhập cơ thể gây bệnh cho tôm. Hầu hết các chủng Vibrios đều có khả năng gây bệnh đường ruột, khi vào đường ruột vi khuẩn gây viêm và phá hủy thành ruột, do vậy ta sẽ thấy những đoạn đứt khúc khi quan sát dưới ánh mặt trời. Các nghiên cứu gần đây còn xác định loài Vibrio parahaemolyticus nhiễm thực khuẩn thể (phage) trở thành dạng có độc tính cao là tác nhân gây bệnh EMS (Early Mortality Syndrome, Hội chứng chết sớm ở tôm).
- Do nhiễm ký sinh trùng Gregarine: Gregarine là một loài nguyên sinh động vật có vòng đời phát triển trong ký chủ trung gian là ốc, hến, ở đáy ao tôm. Khi tôm ăn các ký chủ trung gian này, ấu trùng sẽ xâm nhập vào ruột tôm, phát triển thành dạng trưởng thành sống ký sinh bám vào đường ruột tôm. Khi mật số Gregarine dày đặc sẽ làm cho ruột tôm bị tắt nghẽn. Tôm nhiễm ký sinh trùng Gregarine chết không đáng kể nhưng sẽ chậm lớn (do sự hấp thu dưỡng chất ở ruột bị gián đoạn) và hình những tổn thương ở đường ruột tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio xâm nhập phát triển gây bệnh.
- Dinh dưỡng: Do tôm ăn thức ăn bị nhiễm nấm mốc hoặc ăn phải tảo độc trong ao. Khi đó ruột tôm bị tác động bởi độc tố nấm mốc từ thức ăn hoặc các enzyme do tảo độc tiết ra (ví dụ như tảo lam) sẽ gây độc cho tôm, sự tiêu hóa dưỡng chất bị đình trệ, tôm thể hiện phân trắng, đường ruột đứt khúc.
II. ĐIỀU TRỊ
Để việc điều trị có hiệu quả cần xác định được tác nhân gây bệnh để điều trị. Trường hợp tôm bệnh do nhiễm cùng lúc nhiều tác nhân gây bệnh thì phải áp dụng biện pháp tổng hợp sau:
1. Diệt khuẩn vibrio trong môi trường ao nuôi :
Sử dụng thuốc sát trùng nước để làm giảm mật số vibrio trong nước ao nuôi. Để sát trùng nguồn nước có thể dùng các loại thuốc sát trùng phổ rộng để diệt được nhiều loại vi khuẩn. Cần chú ý hầu hết các loại thuốc sát trùng nước thông dụng thuộc nhóm Aldehyde (formaldehyde, glutaraldehyde), Quatenary Ammonium (Alkyl dimethyl benzyl ammonium chloride, Benzalkonium chloride) làm tiêu hao oxy hòa tan trong nước ao nuôi nên cần kiểm soát hàm lượng DO trước khi sử dụng và khi sử dụng cần chạy quạt, sục khí để cung cấp oxy. Thường các loại thuốc sát trùng không khả năng diệt hết các loại mầm bệnh trong nước ao nuôi (vì để đạt nồng độ này thì không sinh vật nào trong ao có thể tồn tại) mà mục đích của sát trùng nước ao nuôi chỉ nhằm mục đích giảm bớt vi khuẩn gây bệnh trong ao nuôi. Đối với vibrio spp, đưa mật số vi khuẩn về <1000 vi khuẩn/ml nước (103CFU/ml) là đạt yêu cầu.
2. Cắt tảo:
Nếu thấy nước ao có nhiều tảo độc phát triển (ví dụ như tảo lam) thì cần có biện pháp cắt tảo phù hợp. Có thể dùng 2 phương pháp cắt tảo là
- Vi sinh: Dùng probiotic chứa nhóm vi khuẩn dị dưỡng bón trực tiếp vào ao nuôi, khi bón sản phẩm vi sinh vào ao nuôi các vi sinh vật hữu ích trong sản phẩm sẽ phát triển tạo sự cạnh tranh về dinh dưỡng, môi trường sống để ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và tảo độc. Đồng thời trong quá trình tăng trưởng, các vi sinh vật hữu ích sản sinh các loại enzyme có tác dụng phân hủy mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, khử các loại khí độc hòa tan trong nước ao nuôi (H2S, NO2, NH3 v.v..) làm cho môi trường nuôi ao được cải thiện tốt hơn. Chú ý nếu dùng sản phẩm vi sinh thì không dùng đồng thời với thuốc sát trùng vì dư lượng thuốc sát trùng trong nước sẽ tác động đến vi sinh vật, nếu dư lượng cao có thể làm mất tác dụng của chế phẩm probiotic.
- Hóa chất: Trường hợp tảo quá dày, làm suy giảm oxy nghiêm trọng cần xử lý nhanh thì có thể dùng sulfat đồng để cắt tảo. Ngoài tác dụng cắt tảo, ở liều cao sulfat đồng có tác dụng diệt ốc, hến trong ao (là ký chủ trung gian của Gregarine. Khi sử dụng sulfat đồng (CuSO4) cần kiểm tra độ kiềm nước ao nuôi để có liều lượng sử dụng phù hợp, độ kiềm nước ao cao thì lượng sulfat đồng phải gia tăng một cách tương ứng mới có tác dụng, ngược lại độ kiềm thấp, sulfat đồng dễ gây độc cho tôm nuôi, cần phải giảm liều. Các sản phẩm sulfat đồng dùng xử lý nước ao tôm thường có kèm theo thuốc thử kiềm và hướng dẫn sử dụng liều an toàn cho tôm nuôi. Một số hóa chất dùng trong bảo vệ thực vật (Glyphosate, Paraquat …) cũng có tác dụng cắt tảo nhưng thuộc nhóm hóa chất không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Do đó tuyệt đối không được sử dụng thuốc BVTV để diệt rong tảo cho ao đang nuôi tôm.
3. Tăng sức đề kháng và diệt mầm bệnh trong đường ruột:
- Chế phẩm sinh học: Trường hợp mới phát hiện, có thể thấy ruột tôm nhỏ, yếu nhưng chưa đứt khúc, có thể dùng sản phẩm sinh học chứa các enzyme tiêu hóa (amylase, protease, cellulose …) vi khuẩn lactic (lactobacillus spp, pediococcus spp…), acid hữu cơ (lactic, formic, citric…), nấm men (saccharomyces spp) bổ sung vào thức ăn cho tôm. Nhóm sản phẩm này có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và đồng thời tạo điều kiện cho các vi khuẩn hữu ích trong ruột tôm phát triển, giúp đường ruột tôm khỏe mạnh, tăng miễn dịch và hấp thu tốt dưỡng chất thức ăn.
- Kháng sinh: Trường hợp tôm bệnh nặng, đường ruột đứt khúc, phân trắng đứt khúc và được xác định là do vi khuẩn Vibrio gây ra thì ngoài việc bổ sung các chế phẩm sinh học cần kết hợp điều trị bằng kháng sinh. Khi dùng kháng sinh cần chú ý không sử dụng thuốc ngoài danh mục, phải tuân thủ liều lượng, thời gian điều trị và thời gian ngưng sử dụng trước khi thu hoạch theo hướng dẫn để bảo đảm không dư lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.