ĐỠ ĐẺ CHO CHÓ

Bình thường chó mang thai 60 ± 3 ngày sẽ đẻ. Chó là loài đa thai nên thường ít khi gặp các trường hợp sinh khó, trừ khi có các vần đề như: dị tật đường sinh dục chó mẹ, kích cỡ khung chậu nhỏ, chó ít con (1-2) nên thai quá to, chó quá nhiều con nên tử cung không đàn hồi tốt (đờ tử cung), chó mẹ quá mất sức, chó phối không cùng giống nên thai quá to so với mẹ,…

Ngoài ra, còn có thể tùy theo giống: những chó giống lớn con, đầu ngắn như Bulldogs, Pugs, và Boston Terriers có rủi ro đẻ khó cao hơn do đầu to và cỡ vai của chó con. Nhiều chó con của các giống này được sinh ra nhờ kỹ thuật giải phẫu bắt con. Đẻ khó được chẩn đoán cơ bản dựa trên quan sát của chủ nuôi, nó được ghi nhận theo các biểu hiện sau :

– 30-60 phút rặn mạnh mà không sinh được chó con.

– Khoảng cách sinh giữa các chó con trên 4-6 giờ (còn chó trong tử cung).

– Ngừng cuộc sinh trong vòng 24 giờ thân nhiệt xuống dưới 37,2 C

– Kêu la hoặc liếm vùng âm hộ một cách quá mức khi đẻ.

– Thai kỳ trễ hơn 70 ngày kể từ ngày lên giống đầu tiên hoặc hơn 60 ngày kể từ ngày phối giống đầu tiên mà chưa có biểu hiện sinh.

Thăm khám sức khỏe bao gồm đo thân nhiệt, khám vú (xem có sữa non chưa), khám âm đạo (xem có sưng to, có dịch chảy ra, có bị phù nề không) là cần thiết. X-quang được thực hiện để xác định số thai, vị trí và kích cỡ thai so với kích cỡ xoang chậu chó mẹ. Dựa trên từng trường hợp cụ thể, có thể áp dụng các liệu pháp sau:

– Giúp chó tăng sức khi đẻ, cơn rặn kéo dài, tiêm khi chó có biểu hiện sắp sinh:

+ Vitamin C 1000 : 1ml/ 5 kg thể trọng

+ Kết hợp thuốc cung cấp calcium và vitamin B12 hàm lượng cao chống mất máu, co giật, bại liệt sau khi sinh: 1ml/ 5 kg thể trọng

– Nếu chó con đã sinh ra được một phần nhưng vẫn bị dính trong kinh đẻ, nhẹ nhàng kéo ra ngoài về phía dưới (về phía khuỷu chân sau của chó mẹ), kéo đồng thời với nhịp rặn của chó mẹ. Thật cẩn thận vì có thể làm tổn thương chó mẹ hoặc chó con. Cố gắng kéo chân hay cơ thể chó con tránh làm trật khớp cổ; điều nầy có thể xảy ra nếu kéo đầu. Nếu sau khi kéo nhẹ nhàng chó con vẫn không được sinh ra, chó bị sinh khó, cần giải quyết ngay.

– Trường hợp chó rặn yếu, cấp thuốc dục đẻ chứa Oxytocin để tăng co bóp tử cung, cầm máu sau khi sinh, thường dùng 1 IU/kg thể trọng (không quá 20 IU/ chó/ lần), nếu cần lập lại thì chờ khoảng 1-2 giờ sau.

– Trường hợp chó mẹ rặn mạnh nhưng con không xuống: Thăm khám, nếu thấy xoang chậu to, nhưng khô ối, hoặc con ra ngôi không bình thường: dùng nước Sinh lý mặn (NaCl 0,9 %) ủ ấm tương đương nhiệt độ cơ thể bơm vào âm đạo, cho con trôi ngược vào trong, sau đó vừa cho nước trào ra vừa sửa tư thế chó con vừa nắm chó con kéo nhẹ ra. Nếu không hiệu quả thì giải phẫu bắt con.

– Chăm sóc chó con: Chó con sinh khó có thể yếu hay ngừng thở, nhất là những chó sinh ra sau cùng. Nhau được tách ra bao quanh chó con, đầu chó được giữ không để chúi úp xuống dịch ối. Ống hút dùng làm sạch đường thở qua mũi. Một số trường hợp chó chậm kêu (chưa thở bằng phổi được), có thể dùng gạc hoặc khăn bọc chó con, cầm 2 tay giũ ngược xuống đất. Cẩn thận vì có thể quăng chó xuống đất do vuột tay. Áp lực của cách đánh đu nầy sẽ làm thông đường thở nhưng cũng sẽ làm đánh đu não nghịch với sọ đầu. Sau khi thông đường thở, lau khô chó con và cẩn thận chà sát bằng giẻ lau để kích thích hô hấp. Những chó không thở được hô hấp nhân tạo ít nhất 5 phút cho tới lúc nó thở được. Một số chó con, đặc biệt là chó giải phẫu bắt con, cần 20 phút để chăm sóc chúng. Chó con nào bắt đầu kêu khóc mạnh và di chuyển, tức là nguy hiểm đã qua. Vào thời điểm này, chó con được làm quen với mẹ. Để mẹ liếm chó con sẽ tiếp tục kích thích hô hấp. Khi chó con được mẹ liếm sạch và di chuyển tốt, đặt chó con gần vú mẹ cho nó tập bú.

Nếu ở bất kỳ giai đoạn nào trong khi đẻ không diễn ra theo quá trình trên thì cần can thiệp sớm bằng cách giải phẫu bắt con để có thể giúp giữ mạng sống chó mẹ và chó con.

Nguồn: Vemedim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *