Chọn thời điểm nuôi
Nuôi vịt chạy đồng là hình thức nuôi phổ biến tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhằm tận dụng thức ăn tự nhiên và lúa rơi vãi sau vụ gặt để giảm chi phí đầu tư. Do vậy, người nuôi cần nắm rõ tình hình bãi chăn thả, thời gian gieo sạ (cấy) lúa để tận dụng tối đa lượng thức ăn sẵn có trên đồng ruộng giúp vụ nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Ở ĐBSCL, thường một năm có 3 vụ lúa: Vụ Hè thu gieo sạ vào tháng 5, gặt vào tháng 8-9. Vụ mùa gieo sạ vào tháng 6-7, gặt vào tháng 11-12. Vụ Đông xuân gieo sạ tháng 11-12, gặt vào tháng 2-3. Với các đặc trưng về thời vụ như vậy cho nên tốt nhất nuôi vịt vào các thời điểm:
Ruộng đang chờ sạ để vịt ăn giun, dế.
Ruộng lúa đang sạ 20 ngày để vịt có thể ăn sâu, rầy.
Ruộng lúc thu hoạch để vịt ăn lúa rơi vãi trong quá trình thu hoạch.
Trong 3 thời điểm trên, thời kỳ ruộng thu hoạch là quan trọng nhất đối với việc chăn thả. Vụ mùa là thuận lợi nhất vì thời gian gặt kéo dài, có nhiều mồi làm thức ăn cho vịt. Vì vậy, tùy thuộc vụ gieo trồng từng nơi mà xác định thời điểm cho thích hợp. Nếu nuôi vịt mùa gặt thì phải nuôi úm vịt trước khi lúa chín 20 ngày, để sau khi gặt thì vịt đã biết ăn lúa có thể cho chạy đồng.
Nếu nuôi vịt lỡ vụ, sớm hoặc trễ đều không kinh tế, tốn nhiều thức ăn, chất lượng vịt kém.
Chuẩn bị chuồng trại
Chuồng trại nuôi vịt con: làm bằng vật liệu đơn giản, rẻ tiền. Chuồng làm nơi khô ráo, tránh nơi bụi rậm có chồn, chuột, rắn… Gồm ba – Phần nhốt vịt : có mái che, có chất lót (rơm, cỏ, trấu,…), xung quanh thường quây mê bồ, lá dừa hay chèn sậy để tránh gió lùa. Diện tích phần:
nhốt thường là:
+ Tuần đầu: 50 con/m².
+ Tuần 2: 30-40 con/m².
+ Tuần 3: 20-30 con/m².
– Phần sân vận động: không cần mái che, nhưng có chỗ cho vịt vận động đi lại, tắm nắng.
– Phần mặt nước bơi lội: có bờ dốc nghiêng để cho vịt dễ lên xuống.
Chuồng nuôi vịt lớn: Thường làm chuồng bằng vật liệu nhẹ, dễ tháo rời để di chuyển theo đàn vịt từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Chuồng nuôi vịt đẻ: cũng được làm đơn giản để vịt có chỗ trú mưa, nắng.
Dụng cụ nuôi: Máng ăn, máng uống, đèn úm,…mua tại các cửa hàng hoặc tận dụng vật rẻ tiền như nia, nong, đèn dầu, bếp than…sẵn có.
Nuôi úm vịt con
Giai đoạn úm vịt thường kéo dài từ khi mới nở đến khi vịt biết ăn lúa (qua lúa) lúc 18-23-30 ngày, tùy theo giống vịt, mùa vụ, kinh nghiệm mỗi nơi. Nuôi vịt con đúng kỹ thuật là yêu cầu hết sức quan trọng. Nếu nuôi dưỡng chăm sóc tốt sẽ giảm được tỉ lệ vịt chết, tránh vịt còi cọc, có sức chịu đựng tốt để khi chăn thả đồng vịt khoẻ mạnh, lanh lẹ, kiếm mồi giỏi, tăng trọng nhanh. Giai đoạn nuôi úm vịt gồm các bước sau:
Chọn vịt con
Chọn vịt mới nở, khỏe mạnh, mắt sáng, bụng mềm, không hở rốn, không dị tật, lông óng ả, không nên bắt vịt “nguội” (là vịt đã bán 2-3 ngày, chân khô, vịt nhẹ, chạy nhảy lanh lẹ) vì nuôi chậm lớn, hay bệnh, tỉ lệ sống thấp.
Chọn vịt hậu bị
– Nếu nuôi vịt từ giai đoạn vịt con đến hậu bị thì khi chọn vịt để nuôi hậu nên chọn con lớn nhanh, sinh trưởng và phát dục tốt, lanh lợi, lông mượt, mọc đầy đủ và có trọng lượng đạt chuẩn.
– Nếu nuôi vịt từ giai đoạn hậu bị, thì khi chọn mua vịt cần chú ý, ngoài việc chọn lựa ngoại hình như trên, cần chú ý:
+ Phải biết rõ nguồn gốc đàn vịt, đúng giống vịt không pha tạp.
+ Vịt đã tiêm phòng đầy đủ các bệnh quan trọng như cúm gia cầm, dịch tả vịt.
+ Đàn vịt phải có sổ theo dõi.
+ Nếu nuôi vịt giống thì tỉ lệ trống/mái phải hợp lý.
Chọn vịt đẻ
Vịt mái chọn con đầu nhỏ, mỏ dài rộng, cổ dài thanh, thân dài, phía sau bụng hơi sệ, lông mướt mịn áp sát thân, mắt sáng, tiếng kêu to, thanh. Vịt trống: đầu to, mắt sáng, mỏ dài rộng, cổ to, nhanh nhẹn, hăng hái, khỏe mạnh.
Bí quyết nuôi vịt thành công
Để nuôi vịt chạy đồng đạt năng suất cao, ít nhiễm dịch bệnh và mau lớn nhất, ngoài kỹ thuật nuôi và chăn thả truyền thống, cần sử dụng
một số loại thuốc sát trùng, thuốc và vaccine phòng bệnh cũng như các loại thuốc bổ giúp tăng sức kháng bệnh, khả năng tiêu hóa và hiệu quả
sử dụng thức ăn, giúp vịt thịt đạt mức tăng trọng nhanh nhất, vịt đẻ cho trứng sai, đồng đều, chất lượng tốt nhất.