KHOÁNG HỮU CƠ VÀ BỔ SUNG KHOÁNG CHO TÔM

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nuôi tôm là một lĩnh vực đòi hỏi sự chú ý kỹ lưỡng đến các yếu tố dinh dưỡng để đảm bảo tôm phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao. Một trong những yếu tố dinh dưỡng quan trọng chính là khoáng chất. Vậy tại sao tôm cần khoáng và việc bổ sung khoáng cho tôm có vai trò quan trọng như thế nào? 

TẠI SAO TÔM CẦN KHOÁNG? 

Mặc dù khoáng chất chiếm một phần rất nhỏ trong cơ thể tôm (khoảng 13%) nhưng chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng cho hoạt động sống của tôm. Chức năng của khoáng bao gồm:

  • Xây dựng cấu trúc của mô cứng (vỏ tôm), mô mềm (cơ) và tế bào máu, trong đó khoáng chiếm khoảng 41% khối lượng của vỏ và 1,6% khối lượng của cơ;
  • Điều hòa áp suất thẩm thấu, giữ cân bằng acid-bazơ của dịch cơ thể;
  • Hoạt hóa enzyme xúc tác các phản ứng sinh hóa;
  • Dẫn truyền thần kinh và co cơ;
  • Đáp ứng miễn dịch và kháng bệnh.

Theo các kết quả nghiên cứu đã được công bố thì tôm cần khoảng 23 loại khoáng khác nhau, trong đó có 7 nguyên tố khoáng đa lượng (Cl, Na, S, Mg, Ca, K, P) và 16 nguyên tố vi lượng (Al, As, Co, Cr, Cu, F, I, Fe, Mn, Mo, Se, Si, Ni, Sn, V, Zn). Các nguyên tố khoáng được xem là thiết yếu đối với tôm gồm 8 cation (Ca2+, Mg2+, Fe2+, Cu2+, Zn2+, Mn2+, K+, Na+ và 5 anion (Cl, I, MoO42-, PO43- và SeO32-).

Khi tôm bị thiếu khoáng hoặc mất cân bằng khoáng thường có một số biểu hiện rõ ràng như cong thân; màu sắc không bình thường; mềm vỏ. Tôm bị mềm vỏ thường khó lột xác và dễ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, một số biểu hiện không rõ ràng như chậm lớn, tỉ lệ sống thấp và dễ mắc bệnh có thể liên quan đến chức năng hoạt hóa và xúc tác phản ứng sinh hóa hoặc liên quan đến chức năng miễn dịch của các ion khoáng. Để đáp ứng nhu cầu khoáng cho hoạt động sống của cơ thể, tôm phải hấp thu khoáng từ nguồn thức ăn và từ môi trường nước. Khác với động vật trên cạn, động vật thủy sinh (đặc biệt là tôm) chúng có khả năng hấp thu hiệu quả khoáng có trong môi trường nước. Quá trình trao đổi khoáng có thể được mô tả qua hình sau:

TẠI SAO CẦN BỔ SUNG THÊM KHOÁNG CHO TÔM ?

Mặc dù tôm được cung cấp khoáng từ nguồn thức ăn và môi trường nước, nhưng hiện tượng thiếu khoáng hoặc mất cân bằng khoáng vẫn xảy ra, đặc biệt đối với mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự thiếu hụt khoáng bao gồm:

  • Trong quá trình sinh trưởng tôm thường xuyên lột xác, sau khi lột xác tôm sẽ hấp thụ khoáng từ trong nước để tạo vỏ mới từ đó làm hàm lượng khoáng trong nước giảm dần, đặc biệt là Ca2+, Mg2+ và K+. Sự hấp thụ không đồng đều giữa các loại khoáng của tôm cũng làm thay đổi tỉ lệ giữa các loại dẫn đến mất cân bằng khoáng.
  • Môi trường nuôi có nồng độ muối thấp nên tổng lượng khoáng chứa trong nước không đủ đáp ứng cho quá trình lột xác và sinh trưởng của tôm.
  • Nước ngầm thường có hàm lượng Ca2+ rất cao, trong khi đó hàm lượng Mg2+ và K+ khá thấp. Môi trường nước mặn, lợ trong tự nhiên thường có tỉ lệ Mg:Ca là 3,37:1 và tỉ lệ Ca:K là 1,05:1, tỉ lệ này được xem là tối ưu cho hoạt động sống của tôm. Ngược lại, nước ngầm thường có tỉ lệ Mg:Ca thấp (0,17-0,60:1) và  tỉ lệ Ca:K rất cao (3,5-18,8:1). Như vậy, nước ngầm thiếu hụt K và Mg, nếu sử dụng nước ngầm để nuôi tôm sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng khoáng.
  • Trong nguyên liệu thức ăn thủy sản (bột cá, bột đậu nành…) thường có hàm lượng khoáng rất thấp và không cân đối.

Loại khoáng và phương pháp bổ sung khoáng hiệu quả?

Dựa vào phương pháp bổ sung có thể chia làm hai nhóm, khoáng tạt (hòa tan và tạt vào nước) và khoáng trộn (trộn vào thức ăn). Tuy nhiên, nếu dựa vào tính chất hóa học của các loại khoáng có thể chia khoáng ra thành hai nhóm đó là khoáng vô cơ khoáng hữu cơ.

  • Khoáng vô cơ bao gồm các oxide (CaO, MgO, Al2O3, Fe2O3, K2O…) và các muối của acid vô cơ khan hay ngậm nước (CaCl2, MgCl2, CaSO4, MgSO4, CuSO4, ZnSO4, CoSO4, MnSO4, NaH2PO4, Na2SeO4, Na2MoO4…).
  • Khoáng hữu cơ là là các phức tạo thành từ các liên kết giữa kim loại và acid amine, protein và polysaccharide. Có 5 loại khoáng hữu cơ do có sự khác biệt về cấu trúc hóa học: (i) kim loại tạo phức với một acid amine; (ii) kim loại tạo phức với nhiều acid amine; (iii) kim loại tạo phức vòng với acid amine; (iv) kim loại tạo phức với protein; và (v) kim loại tạo phức với polysaccharide. Cấu trúc hóa học của một một vài loại khoáng hữu cơ (Cu-lysine, Zn-Methionine, Fe-polysaccharide) được mô tả như sau:

Khoáng vô cơ có khả năng hòa tan tốt trong nước và dễ dàng trao đổi qua mang và bề mặt cơ thể của tôm nên thường được dùng ở dạng khoáng tạt. Các nhà sản xuất thức ăn cũng thường sử dụng khoáng vô cơ bổ sung vào thức ăn tôm để làm cân đối thành phần khoáng. Tuy nhiên, khoáng vô cơ rất khó được hấp thu do sự tương tác đối kháng giữa các loại khoáng và hiện tượng kháng dinh dưỡng. Sự tương tác đối kháng giữa các loại khoáng thường xảy ra do các chất khoáng tạo ra phức không tan, bị hấp thụ trên bề mặt hạt keo, ức chế các quá trình hấp thu qua niêm mạc ruột và tác động đến enzyme phân giải thức ăn. Bên cạnh đó, một số thành phần trong thức ăn gây nên hiện tượng kháng dinh dưỡng làm giảm khả năng hấp thụ khoáng. Phytate có trong nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc từ ngũ cốc, đậu nành, bắp… kháng với Ca, Mg, Fe và Zn. Lectin có trong đậu nành cũng gây kháng với Ca, P, Fe và Zn. Ngoài ra, thức ăn có chứa tanin sẽ gây kháng với sắt, oxalate và citrate sẽ gây kháng với Ca và Mg. Vì vậy, việc bổ sung khoáng vô cơ vào thức ăn sẽ không mang lại hiệu quả cao, chỉ một lượng nhỏ khoáng vô cơ được hấp thụ qua niêm mạc ruột. Biện pháp bổ sung khoáng vô cơ vào thức ăn có thể áp dụng được nhưng không nên bổ sung với liều cao.

Ngược lại với khoáng vô cơ, khoáng hữu cơ thường được bổ sung vào thức ăn bởi vì khoáng hữu cơ có thể được hấp thụ tốt qua niêm mạc ruột. Đồng thời, khoáng hữu cơ không bị tình trạng tương tác đối kháng và hiện tượng kháng dinh dưỡng. Khoáng hữu cơ khó trao đổi qua bề mặt cơ thể và mang, hơn nữa giá khoáng hữu cơ thường khá cao nên không được dùng trong các sản phẩm khoáng tạt.

Bổ sung khoáng chất đúng cách là yếu tố then chốt giúp tôm phát triển khỏe mạnh, đạt năng suất cao và giảm thiểu các vấn đề sức khỏe.

Nguồn: Vemedim

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *